Nhờ cấu trúc dân số trẻ, nhu cầu tiêu thụ cao, khả năng tiếp cận và nắm bắt xu hướng phát triển công nghệ nhanh, mà Việt Nam luôn được đánh giá là một trong những thị trường có tốc độ phát triển thương mại điện tử nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á. Trên cơ sở phân tích thực trạng phát triển TMĐT tại Việt Nam thời gian qua, nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển hơn nữa TMĐT tại Việt Nam thời gian tới.
Tóm tắt
Nhờ cấu trúc dân số trẻ, nhu cầu tiêu thụ cao, khả năng tiếp cận và nắm bắt xu hướng phát triển công nghệ nhanh, mà Việt Nam luôn được đánh giá là một trong những thị trường có tốc độ phát triển thương mại điện tử (TMĐT) nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á. Trên cơ sở phân tích thực trạng phát triển TMĐT tại Việt Nam thời gian qua, nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển hơn nữa TMĐT tại Việt Nam thời gian tới.
Từ khóa: thương mại, thương mại điện tử, xu hướng kinh doanh mới
Summary
Thanks to the young population structure, high consumption demand, and the ability to access and grasp the trend of technology development fast, Vietnam has always been evaluated as one of the fastest growing markets in e-commerce in Southeast Asia. On the basis of analyzing the current situation of e-commerce development in Vietnam over the past time, the authors propose some solutions to further develop e-commerce in Vietnam in the coming time.
Keywords: commerce, e-commerce, new business trends
THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN TMĐT TẠI VIỆT NAM
Năm 2021, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại và dịch vụ của Việt Nam nói riêng và toàn cầu nói chung. Tăng trưởng âm của một số ngành dịch vu chiếm tỷ trọng lớn đã làm giảm mức tăng chung của khu vực dịch vụ và toàn bộ nền kinh tế. Mặc dù vậy, TMĐT Việt Nam vẫn giữ tốc độ tăng trưởng ổn định. Theo Sách trắng TMĐT Việt Nam năm 2022, thị trường TMĐT Việt Nam đạt nhiều kết quả ấn tượng. Nếu như năm 2017, TMĐT bán lẻ Việt Nam mới chỉ đạt 6,2 tỷ USD, thì đến năm 2018, con số này đã đạt mức 8,06 tỷ USD (tăng 30% so với năm 2017). Sang năm 2019, TMĐT Việt Nam chính thức vượt mốc 10 tỷ USD, đạt 11,8 tỷ USD vào năm 2020, tiếp tục tăng lên 13,7 tỷ USD vào năm 2021 và đạt 16,4 tỷ USD năm 2022 (Hình).
Đặc biệt, trong năm 2022, Bộ Công Thương đã phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều chương trình kết nối TMĐT. Chương trình đã hỗ trợ hàng nghìn lượt doanh nghiệp tiếp cận phương thức phân phối hàng hóa qua TMĐT và tạo thói quen mua sắm qua TMĐT đối với người tiêu dùng. Đặc biệt, hàng Việt đã được quảng bá, xuất khẩu thông qua các chương trình hợp tác về TMĐT xuyên biên giới với các đối tác là sàn TMĐT quốc tế lớn, như: Amazon, Alibaba để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đẩy mạnh xuất khẩu. Thông qua những chương trình này, các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam (nông sản thực phẩm chế biến, hàng thủ công mỹ nghệ, hàng công nghiệp tiêu dùng) sẽ có thể xuất khẩu trực tiếp từ doanh nghiệp sản xuất đến thị trường của nhiều quốc gia trên thế giới theo các kênh TMĐT: B2B, B2B2C.
HÌNH: THỐNG KÊ DOANH THU TMĐT (B2C)
CỦA VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2017-2022
Nhằm tháo gỡ những vướng mắc về thuế cho doanh nghiệp, thúc đẩy thị trường TMĐT phát triển, ngày 30/10/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 91/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2020/NĐ-CP, ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế. Nghị định đã đưa ra các điểm sửa đổi chính tập trung vào các nội dung về khai thuế thu nhập cá nhân của tổ chức, cá nhân không phát sinh việc khấu trừ thuế thu nhập cá nhân; trách nhiệm của tổ chức được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam là chủ sở hữu sàn TMĐT trong việc cung cấp thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân có mua bán hàng hóa dịch vụ trên sàn giao dịch TMĐT cho cơ quan quản lý thuế...
Với những nỗ lực này, theo Sách trắng TMĐT Việt Nam năm 2022, số lượng sản phẩm được người tiêu dùng Việt Nam mua trực tuyến đã tăng hơn 50% so với năm 2021; số lượng nhà bán lẻ trực tuyến cũng tăng 57%; dẫn đến tổng doanh số bán lẻ trực tuyến tăng gần 3 tỷ USD so với năm 2021; quy mô thị trường TMĐT ngành bán lẻ Việt Nam ước đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước. Với tốc độ tăng trưởng 20%/năm, Việt Nam được eMarketer xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT hàng đầu thế giới. Việt Nam cũng có đến 75% người dùng internet tham gia mua sắm trực tuyến với giá trị đạt 260-285 USD/người.
Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 100 sàn TMĐT xuyên biên giới, 139 đơn vị sở hữu sàn giao dịch TMĐT; trong đó, có 41 sàn TMĐT bán hàng, 98 sàn TMĐT cung cấp dịch vụ, 3 công ty đối tác của các nhà cung cấp nước ngoài được thay nhà cung cấp nước ngoài trả tiền cho các tổ chức, cá nhân có quan hệ giao dịch. Thị trường này cũng đang có sự chạy đua và chi phối của 4 “đại gia” cung cấp sàn TMĐT lớn nhất Việt Nam là Shopee, Lazada, Tiki và Sendo. Tổng doanh thu của 4 sàn TMĐT này đang đạt mức 135 nghìn tỷ đồng với tổng số 566 nghìn gian hàng đã phát sinh 1,3 tỷ đơn vị sản phẩm đơn hàng. Trong đó, Shopee là sàn TMĐT lớn nhất, chiếm gần 73% tổng doanh số thị phần; Lazada đạt khoảng 21%; Tiki chiếm 5%; Sendo chiếm khoảng 1% thị phần.
Với 75% người dân sử dụng internet, Việt Nam có 74,8% người dùng internet tham gia mua sắm trực tuyến. Các loại hàng hóa, như: quần áo, giày dép, mỹ phẩm, sách, đồ dùng gia đình… là những sản phẩm được người tiêu dùng lựa chọn và mua sắm trực tuyến nhiều nhất. Phương tiện điện tử được sử dụng chủ yếu trong các giao dịch này chính là thiết bị di động, 91% người dùng sử dụng thiết bị di động để mua sắm, đặt hàng trực tuyến.
Bên cạnh những kết quả đạt được, sự phát triển trong TMĐT của Việt Nam đang gặp một số khó khăn, thách thức, cụ thể như sau:
Một là, thể chế, chính sách điều chỉnh lĩnh vực TMĐT vẫn chưa hoàn thiện, đặc biệt là vấn đề bảo vệ người tiêu dùng. Hiện nay, Luật Bảo vệ người tiêu dùng chưa điều chỉnh kịp thời các loại hình kinh doanh, giao dịch mới, cũng như các hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng có thể nảy sinh trong điều kiện chuyển đổi số, như: chưa có điều khoản bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch từ xa được thực hiện trên không gian mạng…
Hiện nay, khung pháp lý và các quy định liên quan đến lĩnh vực logistics vẫn còn nhiều khó khăn và phức tạp. Các vấn đề chặng cuối phải được giải quyết và việc vận chuyển hàng hóa đến các vùng xa, nông thôn cũng là một thách thức. Những vấn đề này trở nên rõ ràng hơn khi các doanh nghiệp bán lẻ tìm cách giành được chỗ đứng bên ngoài các thành phố lớn có trình độ mua sắm và tiêu dùng cao, như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng...
Hai là, cơ sở hạ tầng số còn yếu; an ninh mạng chưa được bảo đảm; vấn đề mạng lưới giao hàng hay kho bãi (logistics) cũng là những thách thức lớn đối với nhiều doanh nghiệp hoạt động TMĐT. Ngay cả khi doanh nghiệp có mạng lưới logistics, thì vẫn phải dựa vào các đối tác thứ 3 để thực hiện các đơn đặt hàng của TMĐT. Vì thế, chi phí giao hàng cao và thời gian giao hàng lâu, trung bình thường là 5-6 ngày cho một đơn hàng được giao tới tay người tiêu dùng.
Đã vậy, hệ sinh thái TMĐT của Việt Nam đang dần bị phá vỡ qua các thương vụ M&A của doanh nghiệp nước ngoài. Hiện nay, các thương hiệu TMĐT của Việt Nam đang rơi vào tay các công ty TMĐT lớn của nước ngoài, như: Lazada, Shopee, Tiki, Zalora hay kể cả Sendo vốn là công ty thuộc sở hữu của FPT, nhưng cũng chịu sự đầu tư gián tiếp từ JD.com thông qua VNG. Các thương hiệu còn lại, như: Vatgia.com, Chodientu.vn, Enbac.vn... đều có doanh thu rất thấp. Điều ngày cho thấy, sự chi phối của các doanh nghiệp TMĐT của nước ngoài là rất lớn và gần như những doanh nghiệp này quyết định cuộc chơi trong hệ sinh thái TMĐT của Việt Nam.
Ba là, việc sử dụng tiền mặt vẫn còn phổ biến. Mặc dù việc sử dụng tiền mặt khi nhận hàng trong năm 2021 đã giảm xuống so với năm 2020, tuy nhiên vẫn chiếm tỷ lệ 73%. Thói quen tiêu dùng tiền mặt vẫn còn sâu nặng trong tiềm thức của người dân. Hạ tầng cơ sở và trang thiết bị kỹ thuật phục vụ các hình thức thanh toán điện tử còn kém hiệu quả, chưa tương xứng với tiềm năng. Số lượng không nhỏ người dân địa phương không có tài khoản ngân hàng cũng là một yếu tố cản trở thanh toán trực tuyến.
Bốn là, vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn khá phổ biến. Hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, buôn bán hàng cấm, không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn còn tràn lan, phổ biến. Tội phạm, gian lận tài chính trong TMĐT gia tăng. Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) Trần Hữu Linh cho biết, phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng vi phạm trên không gian mạng ngày càng tinh vi. Nhiều đối tượng không có kho hàng hay cửa hàng, chỉ tiếp nhận đặt online, hàng hóa xé lẻ, phân tán trữ tại nhiều nơi; chỉ giao hàng với số lượng dè dặt nhỏ lẻ, nên gây không ít khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình trinh sát, bắt giữ và xử phạt. Không những thế, những đối tượng này chỉ bán hàng qua cộng tác viên trung gian; nhiều khi đăng quảng cáo các sản phẩm khác nhau, nhưng thực tế chỉ nhận đơn hàng một loại sản phẩm rồi đặt qua đơn vị cung cấp khác để làm trung gian bán kiếm lời... Đặc biệt, việc các website và các trang mạng xã hội dễ dàng được tạo ra và đóng lại trong thời gian nhanh chóng khiến lực lượng chức năng rất khó kiểm soát. Trong năm 2022, Tổng cục Quản lý thị trường phối hợp Cục TMĐT và Kinh tế số đã gỡ bỏ 1.663 gian hàng với 6.437 sản phẩm vi phạm; chặn 5 website có dấu hiệu lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng giả, hàng nhái, không rõ nguồn gốc xuất xứ (Song Linh, 2023).
TRIỂN VỌNG PHÁT TRIỂN TMĐT TẠI VIỆT NAM
Theo số liệu của Statista, năm 2022 tỷ lệ thâm nhập của người dùng mạng xã hội tại Việt Nam ước đạt khoảng 75,57% trên tổng dân số; đến năm 2030, tỷ lệ này sẽ đạt mức 85,74%. Đặc biệt, Statista nhận định: livestream sẽ là một phần không thể thiếu trong chiến lược thương mại xã hội của nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam và sẽ trở thành xu hướng trong thời gian tới, vì nó vẫn đang trong giai đoạn tăng trưởng, đánh bại các danh mục nội dung phổ biến khác, bao gồm cả giải trí. Kéo theo đó, thanh toán điện tử tại Việt Nam sẽ tăng trưởng nhanh chóng trong thời gian tới (Song Linh, 2023).
Việt Nam đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á sau Indonesia (83 tỷ USD), Việt Nam (29 tỷ USD) và đứng trước Thái Lan (24 tỷ USD). Với chỉ 30% người trưởng thành sử dụng dịch vụ ngân hàng kỹ thuật số, Việt Nam còn nhiều tiềm năng để tăng trưởng thanh toán điện tử. Đó là những tiền đề cho sự phát triển của TMĐT của Việt Nam trong thời gian tới.
Theo báo cáo “Kinh tế khu vực Đông Nam Á năm 2022” của Google, Temasek và Bain & Company, quy mô kinh tế số Việt Nam có thể đạt 50 tỷ USD vào năm 2050, trong đó TMĐT sẽ là lĩnh vực đóng góp quan trọng nhất. Dự báo giá trị mua sắm trực tuyến trung bình của người tiêu dùng trực tuyến sẽ tiếp tục tăng mạnh mẽ, từ mức 381 USD/người năm 2021 lên 671 USD/người vào năm 2025.
NHỮNG GIẢI PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI
Thời gian tới, để tận dụng những tiền đề sẵn có, phát triển TMĐT Việt Nam, cần lưu ý các giải pháp sau:
Thứ nhất, hoàn thiện hành lang pháp lý về TMĐT
TMĐT là một lĩnh vực rất đặc thù, đó là sự kết hợp giữa công nghệ và thị trường, giữa yếu tố thực và yếu tố ảo, giữa thực thể tồn tại với thực thể trong không gian số. Chính vì vậy khung pháp lý đang tiếp tục được hoàn thiện gắn với thực tiễn.
Để chấn chỉnh hoạt động TMĐT, không chỉ cần đến sự điều chỉnh hợp lý về mặt pháp luật, sự tăng cường hiệu quả quản lý của các cơ quan chức năng mà thậm chí còn cần những đề án riêng, những phương án quản lý đặc thù, đưa TMĐT trong nước đi vào quỹ đạo. Do đó, Quốc hội, Chính phủ cần sớm xây dựng, sửa đổi, bổ sung các dự án luật nhằm thống nhất hệ thống pháp luật cho TMĐT. Tiếp tục rà soát cơ chế, chính sách để quản lý tốt hơn hoạt động kinh doanh trên môi trường TMĐT; hướng tới mục tiêu quản lý toàn diện và phân định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc kiểm soát hoạt động kinh doanh TMĐT.
Bên cạnh đó, muốn thúc đẩy TMĐT phát triển an toàn, lành mạnh và minh bạch, phải liên tục tăng cường hoạt động quản lý, giám sát hàng hóa trên môi trường mạng, tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong hoạt động mua sắm trực tuyến; bảo vệ các thương nhân, tổ chức kinh doanh lành mạnh nhằm thúc đẩy TMĐT phát triển.
Ngoài ra, Nhà nước cũng cần có thêm những cơ chế hỗ trợ, tạo môi trường thông thoáng cho doanh nghiệp và người dân ứng dụng TMĐT một cách an toàn, hiệu quả và bền vững trong tương lai.
Ở một chiều khác, cần hoàn thiện khung pháp lý để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tốt hơn, đặc biệt là trong môi trường TMĐT, trên không gian mạng. Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã được trình Chính phủ ngày 08/6/2022. Dự thảo Luật đã được Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại kỳ họp thứ tư tháng 10/2022; dự kiến được xem xét, thông qua vào kỳ họp thứ năm, vào tháng 5/2023. Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) tiến bộ hơn rất nhiều so với luật cũ và được điều chỉnh rộng khắp nhiều lĩnh vực. Trong đó, các quy định, điều chỉnh về trách nhiệm của người bán hàng, các đơn vị trung gian và cả các quy định về nền tảng bán hàng, đăng ký gian hàng là những sửa đổi rất ý nghĩa, chắc chắn sẽ giúp cho công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nói chung và giám sát các giao dịch đặc thù (trên không gian mạng) tốt hơn. Vì thế, việc sớm ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) là rất cần thiết.
Thứ hai, phát triển các hạ tầng số, hạ tầng TMĐT
Chính phủ cần có các giải pháp hỗ trợ giao dịch điện tử tích hợp thanh toán trong thương mại và và dịch vụ công; chú trọng phát triển các tiện ích thanh toán trên nền tảng di động, ví điện tử, mã QR code, NFC, POS...; đảm bảo an ninh, an toàn thanh toán để góp phần thúc đẩy thanh toán điện tử trong giao dịch TMĐT, bao gồm: mô hình TMĐT doanh nghiệp - người tiêu dùng (B2C), doanh nghiệp - doanh nghiệp (B2B), Chính phủ - người dân (G2C), Chính phủ - doanh nghiệp (G2B); Online - Offline (O2O).
Cải thiện hạ tầng dịch vụ chuyển phát và logistics cho TMĐT, ứng dụng các công nghệ mới trong hoạt động logistics; khuyến khích thí điểm và triển khai ứng dụng các phương tiện giao thông mới hỗ trợ việc vận chuyển, giao nhận hàng hóa trong TMĐT; khuyến khích các giải pháp tổng thể liên kết doanh nghiệp hậu cần từ chặng đầu tới chặng cuối; nghiên cứu bài bản các giải pháp cho chuyển phát xuyên biên giới, logistics trong đô thị.
Xây dựng hệ thống quản lý trực tuyến các dịch vụ vận chuyển, giao nhận và hoàn tất đơn hàng cho TMĐT bao phủ tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước, từng bước mở rộng ra khu vực nhằm đẩy mạnh hoạt động TMĐT xuyên biên giới; ban hành hệ thống tiêu chuẩn cho dịch vụ chuyển phát và hoàn tất đơn hàng trong TMĐT; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu địa chỉ; phát triển nền tảng Bản đồ số Việt Nam để hỗ trợ phục vụ cho công tác quản lý trực tuyến dịch vụ bưu chính, vận chuyển, giao nhận và hoàn tất đơn hàng cho TMĐT trên phạm vi toàn quốc.
Phát triển các giải pháp chia sẻ hạ tầng giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ TMĐT và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phân phối bán lẻ, các giải pháp liên kết, chia sẻ thông minh giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với người tiêu dùng và doanh nghiệp với Chính phủ trên nền tảng di động, thẻ thông minh và dữ liệu lớn.
Xây dựng hạ tầng chứng thực hợp đồng điện tử và các chứng từ điện tử phục vụ giao dịch thương mại khác trên nền tảng xác thực thông tin ứng dụng công nghệ số, bao gồm: chữ ký số công cộng, chữ ký số cá nhân trên di động, lưu trữ block-chain… Xây dựng các hệ thống tra cứu, truy xuất, kiểm soát lưu thông hàng hóa trên nền tảng các giải pháp về chứng từ điện tử trong thương mại, bao gồm: hóa đơn điện tử, tem điện tử, chứng từ xuất kho điện tử và các chứng từ thương mại khác. Xây dựng nền tảng trao đổi định danh và xác thực điện tử phục vụ việc định danh và xác thực người sử dụng trong các hoạt động TMĐT.
Thứ ba, tập trung đào tạo nguồn nhân lực số, nhân lực TMĐT
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, mấu chốt của ngành TMĐT Việt Nam là sự chênh lệch và thiếu hụt cả về số lượng và chất lượng của nhân lực số so với nhu cầu từ thị trường. Để đáp ứng được tính cấp thiết trong việc đào tạo nhân lực, việc xây dựng mô hình quản lý và phát triển nguồn nhân lực bền vững đảm bảo 3 yếu tố: đa dạng, công bằng và hòa nhập, đối với các doanh nghiệp TMĐT là vô cùng quan trọng. Cùng với đó, cần tăng cường hợp tác liên kết giữa doanh nghiệp và nhà trường, đẩy mạnh chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu nhân lực trong các doanh nghiệp./.